Tôn trọng là văn hóa thiết yếu mà con người cần có trong cuộc sống. Khi bạn học được cách tôn trọng bản thân và người khác thì bạn mới cảm thấy yêu thương bản thân và tìm được niềm vui, các mối quan hệ bền vững trong cuộc sống. Hãy học tìm hiểu cùng Học viện Foco nhé!
1. TÔN TRỌNG LÀ GÌ?
Tôn trọng có nghĩa là sự đánh giá đúng mực và coi trọng danh dự, phẩm giá, lợi ích của người khác. Thông qua sự tôn trọng, mỗi người sẽ thể hiện lối sống văn hóa riêng của mình.
Khi tôn trọng người khác, chúng ta cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ phía họ. Sự tôn trọng thể hiện lối sống và văn hóa của mỗi người trong cộng đồng. Đồng thời đó cũng là sợi dây kết nối, tạo mối quan hệ gắn kết, chân thành và tốt đẹp giữa con người với con người.
Ngoài ra, để nhận được sự tôn trọng, chúng ta cũng nên thể hiện vai trò xã hội quan trọng của mình cũng như cách giúp đỡ, hỗ trợ người khác. Khi bạn cho đi điều gì thì cũng sẽ nhận lại được những thứ tương tự, sự tôn trọng cũng vậy. Chỉ khi dành cho người khác những điều tốt đẹp, cư xử tử tế thì bạn mới nhận lại điều tương tự.
Mỗi hành vi, cử chỉ, cách đối nhân xử thế hằng ngày đều có thể đánh giá được con người mỗi chúng ta. Vì vậy hãy hoàn thiện bản thân và thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người bạn nhé!
2. TÔN TRỌNG BẢN THÂN
Giá trị của bản thân là những thứ đang còn ẩn nấp trong chính con người chúng ta mà không phải ai cũng có thể tìm nhìn thấy được. Để học được cách yêu thương và tôn trọng người khác, ta phải học cách trân trọng chính bản thân mình, thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn.
Tôn trọng bản thân chính là chấp nhận con người thật của mình, tin tưởng chính mình, nuôi dưỡng những ưu điểm, khắc phục các khuyết điểm. Phát triển lòng tự trọng sẽ giúp bạn phát huy tiềm năng, tạo dựng và phát triển các mối quan hệ, khiến mọi người yêu quý và tôn trọng bạn.
Tự tìm hiểu, nhận thức bản thân
Bạn càng hiểu rõ bản thân thì bạn sẽ nhận ra và coi trọng những điểm đặc biệt, và càng tôn trọng chính mình hơn.
Bạn hãy:
- Lên danh sách các công việc, những người và những thứ quan trọng đối với bạn. Điều này giúp bạn xác định được điều bạn cần và muốn làm trong cuộc sống.
- Thử nhiều hoạt động khác nhau, tham gia nhiều thử thách khác nhau, làm những điều mới mẻ, lạ lẫm mà bạn chưa bao giờ làm. Điều này đem đến cho bạn cơ hội nhận ra thứ mình thích và không thích.
- Hãy viết nhật ký. Đây là cách để bạn tự đối diện và tâm sự với chính mình. Hãy tự khuyên nhủ bản thân và đồng cảm như đang nói chuyện với một người bạn.
- Đôi khi bạn cần dành thời gian cho chính mình, hãy hẹn hò với bản thân mình tại nơi mình thích. Đây sẽ là không gian riêng tư để bạn có thể nhìn nhận và học cách kết nối cảm xúc với chính mình, hiểu bản thân mình hơn.
Tha thứ cho chính mình
Nếu muốn tôn trọng bản thân, bạn cần tha thứ những hành động đã làm trong quá khứ. Thừa nhận lỗi lầm và xin lỗi người khác nếu cần thiết. Chỉ khi bạn biết tha thứ cho bản thân, bạn mới có thể tiếp tục tiến về phía trước và tìm kiếm những giá trị khác trong con người mình.
Yêu thương và chấp nhận bản thân
Học cách chấp nhận, học cách yêu con người bạn. Yêu quý những gì mình có và bằng lòng với những khiếm khuyết của chính mình, đặc biệt là những thứ bạn không thể thay đổi. Khi bắt đầu yêu thương và tôn trọng bản thân, bạn sẽ phát hiện mình xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn thế này nữa.
Tự tin vào bản thân
Lòng tự tôn sẽ mang đến sự tự tin cho bạn. Tuy nhiên, bạn khó có thể tôn trọng bản thân nếu không hài lòng với con người, vẻ bề ngoài hay công việc hiện tại của mình. Vậy nên hãy xây dựng cho mình sự tự tin. Bạn phải bỏ nhiều công sức để hình thành sự tự tin thật sự, hàng ngày hãy bắt đầu với từng bước đơn giản như sau.
- Hãy luyện tập và cố gắng để có vóc dáng, vẻ bề ngoài mà bạn mong muốn và đừng quá khắt khe với bản thân.
- Hãy kể ra những điểm tốt của bản thân.
- Đừng ngại và hãy chấp nhận lời khen của người khác.
Không so sánh với người khác
Bạn vô cùng đặc biệt và bạn là duy nhất. Mỗi một cá nhân là một màu sắc khác nhau, không ai có thể giống ai hoàn toàn. Việc so sánh bản thân với người khác đôi khi là một sự khập khiễng và vô ích. Bạn có thể tìm thấy những điểm thua kém của mình so với người khác, nhưng cũng có thể tìm được những điểm mạnh mà bạn hơn họ, không ai là hoàn hảo cả. Hãy tập trung vào bản thân mình và con đường mình đã chọn.
Bạn không cần phải trở thành một ai khác, nếu có thể học hỏi từ họ, hãy học hỏi, nhưng đừng vì thấy họ khác mà tự ti về bản thân. Ai cũng đều giỏi ở một lĩnh vực nào đó, chỉ là bạn chưa chịu khám phá bản thân thôi. Vậy nên hãy dành thời gian để trau dồi bản thân và dừng việc so sánh với người khác lại.
Gạt bỏ sự đố kỵ
Ngừng mong ước sở hữu những thứ người khác có và tập trung vào công việc bạn muốn. Nếu bạn cứ đố kỵ mãi thì bạn sẽ không bao giờ phát triển được. Cảm giác cay đắng và sự ghen tỵ chỉ khiến bạn ghét bản thân và ước mình trở thành người khác. Hãy gạt đi sự đố kỵ và tìm kiếm những điều làm bạn vui vẻ và hạnh phúc bạn nhé!
3. TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Tôn trọng người khác là 1 đức tính, phẩm chất đẹp. Trước tiên, khi dành sự tôn trọng cho người khác, chúng ta cũng sẽ nhận được sự tôn trọng tương ứng. Tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng được mối quan hệ bền vững. Nếu như mọi người sống tôn trọng lẫn nhau, xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Giữ lời hứa
Nếu bạn thực sự muốn tôn trọng người khác, bạn cần phải giữ lời hứa của mình.
Không ngắt lời khi người khác đang nói
Khi chúng ta trò chuyện, việc trở thành một người biết lắng nghe là dấu hiệu cơ bản của sự tôn trọng. Bạn đừng nên nói xen ngang hay làm gián đoạn câu chuyện của họ. Đừng cố gắng lao vào cuộc đối thoại như thể bạn không mảy may quan tâm đến những gì người khác nói. Hãy tập lắng nghe chăm chú hơn và chờ họ dứt lời trước khi đưa ra phản hồi.
Phản đối một cách tôn trọng.
Hãy tôn trọng quan điểm của ai đó kể cả khi bạn không tán thành. Ai cũng đều có quan điểm riêng của mình, quan trọng là cách bạn phản đối những gì họ nói không được làm mất đi giá trị thật của người đó. Giao tiếp là một con đường hai chiều. Nếu bạn tôn trọng ý tưởng và chọn lựa của người khác, họ cũng sẽ tôn trọng bạn và lắng nghe bạn.
Tôn trọng khuyết điểm của người khác
Con người không ai là hoàn hảo. Mỗi người đều ít nhiều có nhược điểm, có thiếu sót.
Tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng chính mình. Khi bạn ngừng cười nhạo và chê bai điểm yếu của người khác, họ cũng sẽ không chê bai điểm yếu của bạn. Một người biết tôn trọng người khác sẽ giống như không khí trong lành, khiến mọi người thấy dễ chịu, thoải mái khi tiếp cận. Ngược lại, kẻ hay chê cười người khác như không khí độc, chỉ khiến mọi người muốn bỏ chạy mà thôi.
Tôn trọng công việc của người khác
Tôn trọng công việc của người khác là quy tắc cơ bản mỗi người cần có trong cuộc sống, đây được coi là một văn hóa thiết yếu trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, không có sự phân biệt giữa nghề nghiệp sang hay hèn, tất cả mọi người bỏ ra sức lao động của mình để đổi lấy thành quả chân chính, không vi phạm pháp luật, đều xứng đáng có được sự tôn trọng của người khác.
Đừng suy nghĩ áp đặt về người khác
Đừng bắt đầu cuộc trò chuyện bằng nhận định chủ quan về quan điểm, hành động hoặc hoàn cảnh của ai đó. Mỗi người là một cá nhân với kinh nghiệm và sự hiểu biết cá biệt về cuộc sống khác nhau. Đừng trở nên thiếu tôn trọng bằng việc nghĩ rằng bạn biết rõ về người khác trong khi bạn không hiểu rõ về họ.
Tôn trọng người khác kể cả khi họ không tôn trọng bạn
Việc này có vẻ khó, nhưng bạn cần cố gắng rèn luyện điều đó. Người khác sẽ học được điều gì đó từ bạn. Nếu người đó vẫn thô lỗ và không tôn trọng bạn, bạn hãy bảo vệ bản thân nhưng không trở nên thấp hèn như họ.