Sợ hãi là gì? Tại sao khi trạng thái này diễn ra lâu dài lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người? Hãy cùng Học viện Foco tìm hiểu nhé!
1. SỢ HÃI LÀ GÌ?
Nỗi sợ hãi là gì? Nỗi sợ được định nghĩa là một cảm xúc tiêu cực, hoang mang khi bạn gặp những mối đe dọa. Nỗi sợ hãi sẽ cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại đến ta, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý. Nói ngắn gọn, sợ là khả năng nhận ra nguy hiểm và chạy trốn khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại nó.
Nỗi sợ có sự khác biệt và cấp độ lớn hơn nhiều so với lo lắng. Có những nỗi sợ khiến cho chúng ta mất bình tĩnh, dẫn đến những hệ quả xấu.
2. CÁCH VƯỢT QUA SỰ SỢ HÃI
Để vượt qua được nỗi sợ hãi, bạn cần đối diện với chính nỗi sợ của mình và áp dụng những lời khuyên dưới đây. Những lời khuyên này sẽ giúp bạn có thêm động lực để vượt qua và khắc phục những sợ hãi của bản thân.
Bắt đầu khi bạn sẵn sàng
Hầu hết chúng ta sẵn sàng chịu đựng và bình thường hóa một số nỗi sợ hãi nhất định mà không cần tìm cách điều trị nó. Chỉ khi nào những nỗi sợ đó vượt qua ngưỡng chịu đựng và bạn không thể chấp nhận được nữa thì chúng ta mới tìm sự trợ giúp để vượt qua nó.
Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi với cảm giác sợ hãi hoặc bạn không chịu được việc nỗi sợ ảnh hưởng đến những điều bạn quan tâm, thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp để tìm cách điều trị. Những mong muốn thay đổi mãnh liệt đó sẽ cung cấp cho bạn động lực để vượt qua những thách thức của liệu pháp, thực hiện đầy đủ những biện pháp vượt chướng ngại tâm lý.
Rộng lượng với bản thân mình
Đừng chỉ trích hay tự trách bản thân kém cỏi nếu bạn luôn trong trạng thái sợ hãi vì ai cũng có yếu điểm của mình và điều quan trọng là các nỗi sợ xuất hiện đều có lý do. Trước hết, chấp nhận sự tồn tại của chúng như một phần tất yếu của cuộc sống sẽ giúp bạn lấy lại thế chủ động. Bạn hãy thông cảm và thấu hiểu bản thân mình hơn để có thể tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc của nỗi sợ.
Đối diện với nỗi sợ
Thông thường, nỗi sợ được biết đến như một khái niệm rất chung chung và ta gom tất cả thành một nỗi sợ. Nếu xem xét nỗi sợ đó, chúng ta có thể khám phá ra rằng còn có những nỗi sợ khác ẩn đằng sau nỗi sợ mà ta cảm nhận được. Đây chính là những điều bạn lo sợ thực sự.
Nếu muốn đối diện và “mổ sẻ” những nỗi sợ đó để tìm ra nguyên nhân, bạn hãy tập đối thoại với chính mình, thô lỗ hoặc nhẹ nhàng đều được, miễn là bạn thấy thoải mái nhất. Sự thật là bạn càng nói nhiều với nỗi sợ hãi, càng cố gắng hiểu bản thân thì bạn càng thấy những nỗi sợ đó thật sáo rỗng và rồi chẳng có lý do gì để bị kiểm soát cả.
Thách thức những tiếng nói tiêu cực từ nội tâm
Khi tâm trí bị sự sợ hãi ngự trị, chúng ta thường hướng đến những suy nghĩ tiêu cực. Một phương pháp đơn giản gồm ba bước sau đây có thể giúp bạn nhanh chóng giải quyết những vấn đề đau đầu, những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây xung quanh chúng ta.
Đầu tiên, bạn hãy tự hỏi bản thân mình rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Thứ hai, chuẩn bị tinh thần để chấp nhận điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Cuối cùng, tự nghĩ và tìm ra cách giải quyết cho khả năng xấu nhất đó nếu nó thực sự diễn ra.
Bắt tay vào hành động
Thông thường, bạn e ngại làm điều gì đó vì bạn cho rằng nó khó thực hiện và bạn không đủ sức để làm nó, nhưng kết quả luôn xảy ra theo hướng ngược lại chỉ khi bạn bắt tay vào làm và cố hết sức để hoàn thành nó. Hãy thử cố gắng thực hiện và khắc phục nó, bạn sẽ nhận ra rằng chinh phục nỗi sợ không khó như đã nghĩ.
Tránh trầm trọng hóa vấn đề
Khi trầm trọng hóa vấn đề, bạn dễ rơi vào cái vòng luẩn quẩn của bản thân mình và mặc nhiên cho rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến. Từ đó, bạn cho phép sự sợ hãi dẫn dắt suy nghĩ vượt khỏi tầm kiểm soát và biến chúng trở nên tiêu cực hơn, xâm lấn lý trí của bạn. Những lúc như vậy bạn hãy nhắm mắt lại, hít thật sâu và bình tĩnh. Sau khi đã dịu bớt cảm xúc và tâm trạng bình tĩnh lại bạn sẽ nhận ra rằng “ồ hóa ra nó không nghiêm trọng như mình nghĩ” và hoàn toàn có cách giải quyết.
Hình thành thói quen của lòng dũng cảm
Mark Twain từng nói “Lòng dũng cảm được định nghĩa là đối mặt và làm chủ sự sợ hãi – không phải là né tránh chúng”.
Sự sợ hãi có thể cản bước chúng ta tiến tới những ước mơ và hoài bão. Chính vì vậy chúng ta cần để bản thân vượt qua nhiều thử thách, vượt qua nhiều nỗi sợ để tôi luyện, xây dựng thói quen của lòng dũng cảm. Dũng cảm luôn đi kèm với sự sợ hãi, chúng là hai thái cực tương phản nhưng cũng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Suy cho cùng, nếu ta không cung cấp năng lượng cho sự sợ hãi, sự dũng cảm sẽ không thể tồn tại.
Bên cạnh đó, ngoài những cách trên ta cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh để hạn chế những suy nghĩ không đáng có. Một số biện pháp kết hợp giúp cải thiện nỗi sợ hãi và lo lắng bao gồm:
Tập luyện thể dục thể thao điều độ
Chịu quá nhiều sức ép sẽ khiến bạn lâm vào trầm cảm hoặc tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer. Để khắc phục, bạn nên chăm chỉ tập thể thao vì sự vận động không chỉ giúp ích cho não bộ rất nhiều mà còn khiến đầu óc bận rộn nhưng lại dễ chịu hơn. Tập thể dục đòi hỏi sự tập trung và điều này có thể giúp tâm trí bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ tìm được nguồn năng lượng để cân bằng cuộc sống.
Hãy thư giãn
Học các kỹ thuật thư giãn có thể giúp bạn loại bỏ cảm giác sợ hãi về tinh thần và thể chất. Bạn chỉ cần thả vai xuống và hít thở sâu cũng có thể đem lại hữu ích. Những phương pháp thư giãn sẽ giúp bạn tĩnh tâm lại và nạp lại những năng lượng tích cực bên trong cơ thể và trí não mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử học những những bài tập yoga, thiền, mát-xa,… tùy theo sở thích của bản thân.
Ăn uống lành mạnh
Bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả, nhưng cần tránh ăn quá nhiều đường. Bởi nếu bạn ăn quá nhiều đường thì lượng đường trong máu sẽ giảm xuống và có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng. Ngoài ra, bạn cần tránh uống các đồ uống có chứa quá nhiều caffeine, bởi vì caffeine có thể làm tăng mức độ lo lắng.
Ngoài ra bạn cũng cần tránh uống rượu hoặc uống có chừng mực bởi rượu có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng hơn.
Sợ hãi là một trạng thái mà bất kỳ ai cũng có nhưng nó lại đem lại những cảm xúc tiêu cực đến cuộc sống. Vậy nên điều ta cần là học cách loại bỏ chúng để hướng tới cuộc sống hạnh phúc hơn.