Kỹ năng lắng nghe quyết định rất lớn đến sự thành công của bạn. Vậy làm sao để có một kỹ năng nghe hiệu quả? Hãy cùng Học viện Foco tìm hiểu nhé!
Ngạn ngữ Nga có câu “Con người mất 3 tuổi để học nói nhưng phải mất cả cuộc đời để học lắng nghe”. Lắng nghe là điều dễ dàng đối với mọi người, nhưng lắng nghe để hiểu và nhớ được một cách hiệu quả nhất thì lại vô cùng khó.
Vậy nên, nếu muốn có kỹ năng nghe hiệu quả, ta cần rèn luyện những điều sau:
1. Lắng nghe 1 cách chủ động
Tập trung vào cuộc trò chuyện là yếu tố hàng đầu góp phần thành công trong kỹ năng lắng nghe hiệu quả. Hãy xác định rõ mình có muốn nghe hay không. Bởi bạn chỉ có thể lắng nghe hiệu quả nhất khi bản thân thật sự muốn nghe mà thôi.
Sự tôn trọng, thái độ nghiêm túc của bạn giúp cho người đối diện biết rằng bạn đang thật sự lắng nghe. Chính vì vậy, tuyệt đối không nói chuyện riêng hay ngắt lời người nói. Hãy đáp lại người nói bằng cách gật đầu, hướng người về phía trước hay mỉm cười
2. Tập trung
Giao tiếp là tương tác hai chiều, bạn không thể tiếp thu được những gì đối phương truyền đạt nếu không có sự tập trung.
Tập trung vào người nói. Hãy nhìn thẳng mắt họ, cái nhìn quan tâm chứ không phải nhìn trầm trồ, căng thẳng nhé. Đây chính là thể hiện bạn đang lắng nghe và tôn trọng họ.
Hãy hạn chế những nguyên nhân gây ra sự xao nhãng như: tắt điện thoại, tìm một không gian yên tĩnh để trò chuyện…
3. Không phán xét và tôn trọng ý kiến người khác
Một nguyên tắc quan trọng để có được kỹ năng lắng nghe hiệu quả đó là bạn cần có một tư tưởng cởi mở mới có thể trở thành một người lắng nghe giỏi.
Khi lắng nghe người khác, hãy để đầu óc mình như một tờ giấy trắng, sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau nhưng hãy học cách tôn trọng quan điểm của người khác.
Lắng nghe mọi người không có nghĩa là bạn không có chủ kiến cá nhân, mà bạn nên hạn chế cái tôi của mình khi giao tiếp để thực sự hiểu người khác.
4. Đặt câu hỏi
Lặp lại thông tin vừa nghe được một cách ngắn gọn nhất, và đưa ra những câu hỏi thể hiện sự quan tâm, để họ biết rằng bạn đã lắng nghe và đã có thể hiểu được.
Biết cách đặt câu hỏi tinh tế sẽ thể hiện bạn là một người biết lắng nghe và quan tâm người khác. Đồng thời điều này cũng giúp bạn khai thác được nhiều thông tin hữu ích hơn từ phía người nói.
5. Giao tiếp bằng ánh mắt
Rất nhiều người nói họ có thể nghe được kể cả khi mắt họ đang nhìn thứ khác, tuy nhiên nghe chủ động là việc nghe sử dụng toàn bộ cơ thể và các giác quan của mình. Để việc lắng nghe đạt hiệu quả, bạn hãy tạo sự giao tiếp bằng mắt bằng cách nhìn người nói để hiểu được những tín hiệu không lời như qua giọng điệu, nét mặt hay điệu bộ. Từ đó sẽ giúp các bạn kết nối với nhau tốt hơn.
6. Ghi chú lại
Một cách để không phải chen ngang khi một người đang nói là ghi chú lại. Ghi chú cho phép bạn lưu giữ những suy nghĩ của mình, trong khi việc ghi lại khoanh vùng giúp cho việc theo dõi người nói.
7. Làm chủ được sự im lặng
Không phải cứ nói nhiều mới thể hiện bạn là người hiểu biết hay làm chủ cuộc trò chuyện, mà bạn cần biết khi nào cần giữ im lặng. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát cảm xúc, mạch tư duy của quá trình giao tiếp mà còn có thêm thời gian thấu hiểu người nói.
8. Đưa ra ý kiến cá nhân và diễn giải nó thật đúng cách
Kỹ năng lắng nghe tốt không phải là bạn sẽ im lặng suốt cả cuộc hội thoại và nghe đối phương nói. Điều đó sẽ khiến đối phương cảm thấy như đang độc thoại.
Một chìa khóa vàng để thể hiện bạn là một người lắng nghe chân thành đó là đưa ra các quan điểm cá nhân. Hãy thể hiện chúng theo thiên hướng đóng góp ý kiến, chứ đừng biến cuộc nói chuyện thành tranh luận và cố gắng phản bác ý kiến của họ.